Các chỉ tiêu Nhà nước thất bại

Có 12 chỉ tiêu (Indicator) đánh giá, gồm 4 chỉ tiêu xã hội, 2 chỉ tiêu kinh tế, 6 chỉ tiêu chính trị. Mỗi chỉ tiêu được đánh giá theo thang điểm 10; điểm càng cao tức càng thất bại, điểm càng thấp thì càng thành công. Cộng điểm của 12 chỉ tiêu này lại được tổng số điểm đánh giá mức độ thất bại, tức FSI của quốc gia đó.

Chỉ tiêu xã hội gồm: (I-1) Áp lực gia tăng số dân; (I-2) Sự di chuyển lớn dân tị nạn hoặc thu xếp nội bộ nơi ở của dân, tạo ra nguy hiểm nhân đạo; (I-3) Hậu quả của sự tồn tại các nhóm thù địch nhau hoặc các nhóm cuồng tưởng (paranoia); (I-4) Dân bỏ trốn để thoát cảnh khổ sống trong nước mình.

Chỉ tiêu kinh tế gồm: (I-5) Trình độ phát triển kinh tế không đồng đều theo các nhóm dân; (I-6) Suy thoái kinh tế nặng.

Chỉ tiêu chính trị gồm: (I-7) Mức độ tham nhũng của chính quyền; (I-8) Tình trạng suy thoái của các dịch vụ công cộng; (I-9) Sự trì hoãn hoặc độc đoán trong quá trình chấp hành luật pháp và vi phạm nhân quyền một cách phổ biến; (I-10) Sự vận hành các cơ quan an ninh "nhà nước bên trong nhà nước"; (I-11) Tình trạng bỏ ra nước ngoài của những người tài; (I-12) Sự can thiệp của các nước ngoài hoặc thế lực chính trị bên ngoài.

Trong bảng này, các quốc gia chia làm ba loại tùy theo tổng số điểm FSI: - loại Báo động (Alert), có FSI từ 90 điểm trở lên, là các nước thất bại nhất, kém ổn định nhất; - loại Cảnh giác (Warning), có FSI từ 60 đến dưới 90 điểm; - loại Vừa phải (Moderate) - 30 đến dưới 60 điểm; - loại Bền vững (Sustainable) - dưới 30 điểm, là các nước thành công, ổn định nhất. Nghĩa là tổng số điểm FSI càng nhỏ thì càng thành công, và ngược lại.

Theo thói quen, 60 quốc gia có tổng số điểm FSI cao nhất bị coi là nhóm quốc gia thất bại; các quốc gia còn lại không bị coi là thất bại.

Trong Bảng xếp hạng FSI năm 2010 có 37 nước thuộc loại Báo động. 92 nước thuộc loại Cảnh giác, 35 nước thuộc loại Vừa phải và 13 nước thuộc loại Bền vững.

Các quốc gia thất bại thường có một số đặc điểm chung, phổ biến nhất là mất sự kiểm soát thực tế lãnh thổ hoặc không thể hoàn toàn nắm được quyền lực hợp pháp sử dụng vũ lực. Tiếp theo là sự suy yếu khả năng quyết sách tập thể; không thể cung cấp cho nhân dân các dịch vụ công cộng thích hợp, không thể dùng tư cách thành viên chính thức của cộng đồng quốc tế để giao lưu với các quốc gia khác.

12 chỉ tiêu nói trên hàm chứa nhiều nhân tố của quốc gia thất bại như tham nhũng nặng; các hành vi phạm tội; không có khả năng thu thuế hoặc khả năng được nhân dân ủng hộ; có số lượng lớn người buộc phải bỏ quê nhà tha phương cầu thực; nền kinh tế suy thoái nặng; sự bất bình đẳng giữa các quần thể nhân dân; sự hãm hại nhân dân một cách có tổ chức hoặc phân biệt đối xử nghiêm trọng; sức ép dân số nặng; người tài bỏ ra nước ngoài; môi trường sống bị phá hoại nặng.

Chỉ số FSI đầu tiên được đưa ra vào năm 2005, hồi ấy chưa có ai thật sự nghiên cứu về các quốc gia thất bại một cách có phương pháp. Trong 5 năm qua, việc đưa ra FSI và bảng xếp hạng quốc gia thất bại đã tạo lập được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với nhóm quốc gia này và tăng cơ hội thảo luận giữa các nhà quyết sách ở Mỹ và trên thế giới. Chỉ số FSI khiến họ chú ý đến các quốc gia thất bại, cách đối phó với những thể chế ấy, và các "căn bệnh" đặc biệt của mỗi quốc gia có nhà cầm quyền thất bại.[1]